Các vị bồ tát là những bậc giác ngộ do tin trì học và thực tiễn chánh pháp của chư Phật giúp cứu độ cho chúng sanh khắp nơi khỏi cái khổ, và trong các vị bồ tát mà ta thường gặp thì Quán Thế Âm Bồ Tát là vị có lẽ là ai ai cũng đều biết tới. Ngài được biết tới là vị Đại Bồ Tát theo hầu bên cạnh đức Phật A Di Đà ở Cực Lạc Thế Giới, cùng với Đại Thế Chí được tôn xưng làm Tây Phương Tam Thánh và được thờ phụng ở các chùa chiền tu theo Tịnh Độ Tông ở khắp Việt Nam. Quán Thế Âm trong dân gian thường được thể hiện qua hình tướng thân nữ hiền từ, mặc áo bào trắng, một tay cầm cành dương liễu, một tay bưng bình nước cam lồ để cứu độ chúng sanh, vì thế nên trong dân gian thương tôn xưng ngài làm Phật Mẫu để tạo nên sự gần gũi hơn. Cái này cũng cần phải nói đến là do sự phổ biến quan niệm về hình ảnh mẹ hiền của người Việt ta, nên sử dụng hình ảnh Quán Âm thân nữ như vừa miêu tả sẽ dễ tiếp cận và giáo hoá người cầu tín rất nhiều.
Nguyên Quán Âm Bồ Tát vốn là Bồ Tát ở Thập Địa Viên Mãn, vượt qua khỏi ràng buộc của nhị nguyên, không còn phân chia giới tánh nam nữ nữa, mà thân ngài được tạo thành từ vô số pháp của vũ trụ; nhưng do Quán Âm hay dùng ‘Phổ Môn Thị Hiện’ – tức là pháp biến hoá ra đủ loại hình tướng, hoá thân tuỳ theo nhu cầu cứu độ ở các trường hợp khác nhau, thế nên có lúc ngài hiện thân nữ, lúc thì hiện thân nam, lúc thì hiện thân phi nhân như rồng, rắn, hay hiện các thân thuộc súc sanh, lúc hiện thân quỷ vương ma tướng đếm chẳng thể hết được. Vì sao lại hiện thân như vậy? Vì tuỳ vào độ hiểu biết và thế giới quan của từng chúng sanh, chủng tộc, thế giới khác nhau sẽ có sự ‘chấp’ vào các hình tướng khác nhau, nên hoá hiện hình tướng phù hợp sẽ có lợi cho việc dạy bảo vậy. Về các kiếp trước của Quán Âm thì các bạn có thể tìm đọc trên các trang mạng điện tử. Có một điều thú vị mà phần lớn nhiều người hiện nay không hề biết về xuất thân của Quán Âm ở kiếp hiện tại của ngài, ở đây ad sẽ tóm lược lại đôi chút. Quán Âm ở kiếp hiện tại của ngài vốn xuất thân từ Đông Độ ở Ta Bà thế giới của chúng ta, có danh hiệu là Từ Hàng Đạo Nhân, và là vị đệ tử thứ 9 trong 13 đệ tử thân truyền của Nguyên Thuỷ Thiên Tôn – một trong ba vị Đạo Tổ của Tiên giới. Từ Hàng Đạo Nhân ở Tiên giới đứng hàng 12 Kim Tiên, ngụ tại động Lạc Già, núi Phổ Đà, có pháp bảo là Thanh Tịnh Lưu Ly Bình. Sau trận Tru Tiên, Từ Hàng Đạo Nhân xin phép Thái Thượng Thiên Tôn được quy y Phật Môn, và theo hai vị giáo chủ của Tây Phương Giáo là A Di Đà (Tiếp Dẫn) và Chuẩn Đề về Cực Lạc Tịnh Thổ nghe giảng đạo, và cũng từ đó trở thành một trong hai vị Bồ Tát đứng đầu ở nơi đó. Chính vì có nguyên do như vậy, mà đức Phật Thích Ca mới từng nói rằng Quán Thế Âm bồ tát có nhân duyên rất lớn ở Ta Bà, thường hay hiện hữu ở Ta Bà mà cứu khổ cho chúng sanh. Các bạn có thể đọc đọc Phong Thần Bảng để hiểu hơn về danh xưng Từ Hàng này, tuy nhiên nên lưu ý rằng Phong Thần Diễn Nghĩa chỉ đúng 60% so với thực tế, có rất nhiều chi tiết được hư cấu hoặc chuyển đổi, nên cũng đừng tin quá. Còn tư liệu trên mà ad vừa trích dẫn là lịch sử được lưu lại ở Ngọc Hư Cung, chứ không có liên quan tới Phong Thần Bảng.
Quán Thế Âm Bồ Tát thì nhiều danh hiệu khác lắm, ad xin liệt kê ra một số như sau: Thánh Quán Âm, Đại Bi Thánh Giả, Liên Hoa Thủ Bồ Tát, Bất Nhị Bồ Tát, Bát Nhã Bồ Tát, Thí Vô Uý Giả, Quán Tự Tại Bồ Tát, Thiên Thủ Quán Âm, Mã Đầu Quán Âm, Như Ý Luân Quán Âm, vân vân. Để liệt kê toàn bộ các ứng hoá thân, tên gọi thì chẳng sao kể xiết vậy.
Câu chú Om Mani Padme Hum với cái tên quen thuộc như Lục Tự Đại Minh Thần Chú, Án ma ni bát di hồng, Án Ma ni bát minh hồng,.. là câu chú phổ biến nhất của Quán Thế Âm Bồ Tát, đặc biệt là gắn liền với hình tướng Quán Âm Tứ Tý trong Mật Tông Tây Tạng. Câu thần chú này được truyền bá rất rộng rãi trong nhân gian nhưng người ta mới chỉ biết tới như một câu chú chuyên trừ tà ma, giải nạn chướng, trị liệu bệnh tật mà không hề biết tới tính chất vi diệu rất bí mật của Lục Tự Đại Minh Chân ngôn. Ad Tiêu sẽ dùng góc độ nhìn từ Mật Tông để giải thích cho các bạn hiểu hơn về sự thần kỳ của chú này. Về ý nghĩa của thần chú, các bạn có thể tìm đọc trên internet.
Trong truyền thống huyền thuật từ xưa tới nay, âm thanh có tầm quan trọng không thể bàn cãi trong việc thực hiện các nghi lễ, thuật pháp, là dạng động của một thần chú. Tất cả các thần chú mặt chữ đều có âm vận (chỉ cách phát âm) kèm theo, những âm vận này tương ứng với một sức mạnh tâm linh nhất định nào đó, việc phát âm ra những âm vận này có thể kích hoạt được những lợi ích liên quan tới y học, khí công và tâm linh, khiến cho cơ thể chúng ta sẽ mở được những công năng tiềm ẩn bởi việc âm thanh được tạo nên từ sự rung động và tạo ra tần sóng nhất định của việc chuyển động các bộ phận trên cơ thể.
Hoàng Đế Nội Kinh là tác phẩm kinh điển của Trung y cổ đại, trong đó ghi chép một câu như thế này: “Tức giận làm tổn thương gan, vui mừng làm tổn thương tim, lo lắng suy nghĩ làm tổn thương lá lách, buồn bực làm tổn thương phổi, sợ hãi làm tổn thương thận”. Năm cơ quan nội tạng của con người chỉ có thể hoạt động bình thường khi tâm trí họ được bình yên và tĩnh lặng, tâm thái tích cực và ổn định. Căn cứ vào nguyên lý này, cổ nhân đã phát minh ra phương pháp chữa bệnh bằng ngũ âm, nghe âm thanh thuần túy ngay chính, phù hợp với tiêu chuẩn âm luật để xoa dịu cảm xúc, từ đó phục hồi lại chức năng của ngũ tạng.
Trong Hoàng Đế Nội Kinh còn viết: “Trên trời có ngũ âm, tương ứng với con người có ngũ tạng. Trên trời có sáu âm luật, tương ứng với con người có lục phủ”. Chính là nói, vũ trụ vạn vật là do ngũ hành cấu thành, đặc tính của ngũ hành “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ” cũng được phản ánh trong cơ thể, phản ánh qua tinh thần, tình cảm, vị giác và thính giác của con người. Vì vậy, ngũ âm mà chúng ta biết bao gồm năm loại “Cung, Thương, Giác, Vi, Vũ” là tương ứng với năm nốt nhạc “Đồ, Rê, Mi, Son, La”, ứng với năm cơ quan nội tạng của cơ thể là “tim, gan, lá lách, phổi, thận”, và năm cảm xúc của con người là “vui, giận, lo lắng, buồn bã, sợ hãi”. Hết thảy đều có đặc điểm của ngũ hành và có mối liên hệ với nhau. Cũng tương tự như vậy trong cách phân tích, cách phát âm thần chú trong Phật giáo đều có liên hệ mật thiết tới thay đổi sức khoẻ thể chất và tinh thần của con người.
Xét theo phương diện đông y, mỗi chữ trong Lục Tự Đại Minh Chú đều có sự liên hệ mật thiết tới hệ thống kinh mạch và lục phủ ngũ tạng trong cơ thể như sau:
OM: âm thanh của trí tuệ và hạnh phúc, khi chúng ta phát ra âm này thì sẽ bắt đầu từ huyệt khí hải, theo nhâm mạch lên đến cổ họng, môi hơi khép lại, vòm miệng cong lên tạo thành một khoảng trống, hơi phát ra từ cả miệng và hai mũi. Khi phát âm này chúng ta có thể để ý thấy rằng có một sự rung động rõ ràng ở đầu, đôi khi có cảm giác như là tiếng vo vo của bầy ong, khi phát âm này xong thì đột nhiên thấy hai tai có chút thông thoáng, nghe được rõ hơn, đó là bởi sóng âm của âm này tạo ra kích hoạt được 7 khiếu ở mặt, làm cho các lỗ được thông thoáng hơn rất nhiều. Thường tập âm này thì mắt sẽ sáng dần, thở không bị tắc, tại nghe rõ hơn, trở nên thông minh hơn. Ý nghĩa tâm linh của âm này là đại diện cho việc đóng cửa tái sanh vào Thiên Giới trong lục đạo luân hồi, nếu dịch trong thần chú thì có nghĩa là “Quy Mệnh”.
MA: âm này khi phát âm thì cầm mím môi và mở miệng ra để thành âm. Âm này khiến cho cổ họng rung, huyệt thiên đột được sóng âm kích hoạt mà rung theo, nếu phát âm dài và lâu thì sẽ thấy sóng âm được lan truyền ra hai cánh tay mà cảm thấy tê nhẹ. Âm này có thể trị chứng viêm họng, đau nhức ở hai vai. Âm này trong tâm linh đại diện cho việc đóng cửa tái sanh vào A Tu La Giới.
NI: âm này là âm được phát ra tại tâm tức nơi huyệt cửu vĩ, khi phát âm này dài thì sẽ thấy hai vai cong dần, ở giữa ngực có hơi rút lại và lồng ngực có rung động. Âm này nếu tập luyện đúng có thể trị chứng tim đập loạn, chứng huyết áp, bệnh phổi, làm tăng tiến trí tuệ. Âm này trong tâm linh đại diện cho việc đóng cửa tái sanh vào Nhân Giới.
PAD: âm này trước ngậm miệng, sau bật hơi mở miệng ra mà thành, sóng âm này trước rung ở đan điền, sau tới mệnh môn, phát âm xong sẽ thấy lưng và xương sống có cảm giác ấm nhè nhẹ. Âm này nếu tập đúng sẽ giúp trị các chứng bệnh về xương sống, thận. Âm này trong tâm linh đại diện cho việc đóng cửa tái sanh vào Súc Sanh Đạo.
ME: âm này phát âm khá nhỏ, âm ở dưới lưỡi, miệng mở nhỏ, rung động âm thanh đi xuống dưới cơ thể và rung ở xung quanh đới mạch. Âm này nếu tập đúng sẽ giúp trị các chứng bệnh về gan, ruột, các bệnh về bụng như tiêu chảy. Âm này trong tâm linh đại diện cho việc đóng cửa tái sanh vào Ngạ Quỷ Giới.
HUM: âm này phát âm theo kiểu đóng dần miệng và cho âm rung động ở trong thanh quản. Âm này là âm của thận, là căn nguyên của khí trong cơ thể, bắt đầu từ huyệt dũng tuyền, qua gan, vào phổi, phát ra miệng và lại làm rung nhẹ hai tai. Âm này có nhiều tác dụng như khiến cho thần trí thanh tỉnh, trị các chứng đau chân đùi, xương khớp, các chứng liên quan tới bài tiết. Âm này trong tâm linh đại diện cho việc đóng cửa tái sanh vào Địa Ngục.
Lưu ý: các bạn không nên tự tập mà không có sự chỉ dẫn từ người có kinh nghiệm.
Việc phối hợp sóng âm như vậy sẽ khiến cho khí trong cơ thể được lưu động theo một quy trình nhất định, kết hợp với việc kết thủ ấn ở tay để nối các đường huyệt đạo và kinh mạch với nhau, và quán tưởng theo màu sắc, bổn tôn hay pháp nào đó sẽ khiến cho cơ thể được thanh lọc và khai mở. Việc kết hợp 3 cái như vậy được gọi là Tam Mật bao gồm: Thân Mật (kết ấn), Khẩu Mật (phát âm thần chú) và Ý Mật (quán tưởng). Khi thực hành pháp Tam Mật của Quán Thế Âm cùng với thần chú Om Mani Padme Hum, người tu hành sẽ có được những khả năng như trở nên thông minh hơn, ăn nói lưu loát dễ nghe, thực hiện được các phép thuật nhất định, và đặc biệt là giúp cho việc tái sanh về Cực Lạc Thế Giới. Đó chính là lý do vì sao mỗi âm lại tương ứng với việc đóng một cửa ở lục đạo. Nhưng 6 chữ của thần chú này chỉ giúp cho chúng ta đóng cửa vào luân hồi lục đạo, nếu một người trì chú này nhưng không biết thực hành đúng cách thì phần lớn sẽ nhận phước báo để sanh về cõi trời, điểm mấu chốt để tái sanh vào Cực Lạc là nằm ở chữ thứ 7 – HRIH. HRIH là chủng tử của A Di Đà Như Lai, khi kết hợp với Lục Tự Đại Minh thì mới chính thức mở ra công năng để vãng sanh ở Cực Lạc. Về việc kết hợp thực hành ra sao thì các bạn cần được đạo sư Mật Tông điểm đạo và hướng dẫn trực tiếp, ad Tiêu sẽ không để đây, mong các bạn đừng tự dại dột thiếu suy nghĩ mà thực hành tùm lum, kẻo gây nghiệp. Hoàng Cơ Giáo có nhiều pháp liên quan tới Thánh Quán Âm, trong đó điển hình là Lục Tự Thánh Kinh, pháp này dựa vào bổn tôn Quán Âm Tứ Tý và Lục Tự Đại Minh mà tu luyện, là một trong những pháp để luyện thành Ngọc Mani Bảo Châu mà trong kinh Phật hay nhắc tới, giúp đệ tử tu luyện được kéo dài tuổi thọ, tăng cường pháp lực để cứu độ chúng sanh. Và đặc biệt đệ tử nào tu được pháp này thành tựu sẽ có thể sử dụng các pháp cứu độ của chư Tara thần nữ, diệu kỳ lắm vậy.
Sử dụng Lục Tự Đại Minh trong Tiên Gia thì lại có thể thâu Tam Tài, chuyển Thất Tinh, dụng Thiên Can Địa Chi mà lập được ra 336 trận pháp tróc quỷ sai thần, trị kẻ ác, luyện binh, lập ngục mà hành sự theo ý tu sĩ. Chưa kể thần chú này còn là câu chú kích hoạt cho biết bao nhiêu loại bùa và võ bùa, các pháp hộ ma, kính ái, vân vân. Từ đó mới thấy rằng thần thông của Quan Âm Đại Sĩ trải dài suốt từ Đông sang Tây vậy.
Nay viết đến vậy thôi, ad có hướng dẫn cách hành trì Quán Thế Âm cho các bạn tu tại gia trong group của trang, mời các bạn tham gia. Chúc mọi người an lành.
Tiêu Diêu Tử
0 comments:
Post a Comment