* Hỏi: Quy Y của Đạo giáo là g?
Biên soạn: Đạo sĩ Vô Danh Tử, Càn Khôn Tử
Đáp: Thứ nhất quy Thân. Nương nhờ Thái Thượng Vô Cực Đại Đạo mà không vạ luân hồi triển chuyển, xưng Đạo Bảo; Thứ nhì quy Thần, y theo ba mươi sáu bộ Tôn Kinh có thể đốn ngộ chính pháp, gọi Kinh Bảo; Thứ ba quy Mệnh, cậy trông Huyền Trung Đại Pháp Sư đoạn tuyệt tà kiến, viết Sư Bảo. Tam Quy Y giới chính là “bản lề” trọng yếu trong cõi Trời-Đất, là căn cơ gốc gác đạo thần tiên. Giả như có kẻ phát tâm làm theo, chính là đang kiến thiết lại thâm tâm, khiến cho vạn khí đều linh diệu, minh chân nhập lý, bao la hữu tượng, vô chướng vô ngại. Phàm kẻ nào trì giữ Tam Quy Y giới, có thể khiến trời đất Thần Minh đẹp lòng, vui mừng khánh khoái. Tai mắt thần trí nhờ đó khai khuếch thông tỏ. Vạn vật nương đó mà kính trọng nể nang. Lục phủ theo đó mà điều hòa an thái. Chúng Chân lại cảm lòng kẻ hành trì tuân giữ giới văn, tỏ lòng thương xót hộ vệ sinh linh. Cha mẹ cũng được triêm hưởng ân phúc trường thọ, nhân thân hòa thuận yên vui.
* Hỏi: Xuất gia trong Đạo giáo là gì và ai có thể xuất gia?
Đáp: Xuất gia là rời nhà, nhà có hai nét nghĩa: gia quyến và thể xác. Rời gia quyến đoạn tuyệt ái ân, hiểu đơn thuần là không chấp trước trong các mối quan hệ mà sinh phiền não, gỡ bỏ triền buộc về các mối duyên, mở lòng làm phúc lợi cho cả người thân lẫn kẻ lạ, không giữ riêng cho cá nhân hay gia đình. Rời thể xác là rời xa tam nghiệp thập ác, chẳng câu nệ trong thất tình lục dục, tiết độ khu khiển hợp tình.
Phàm xuất gia trong Đạo giáo, không không bị giới hạn hay phân biệt bởi vùng miền, nghề nghiệp, giới tính, tính dục, dân tộc, phong tục, v.v… Tất cả đều được Đại Đạo xông xênh đón mừng. Xuất gia là ân điển, không phải là điều kiện để được điều này điều khác. Muốn xuất gia phải giữ thân tâm như “chiếc lược” - phàm chiếc lược có răng lược và khoảng trống mới nên được công dụng, ý khuyên lơn rằng nhân thế nên giữ điều cần giữ, bỏ điều cần bỏ, cửa Đạo nào khép kín với ai bao giờ!
Ngoài ra, người đã quy y Đạo giáo gọi là tín sĩ, việc xuất gia trở thành đạo sĩ hay không là tuỳ thuộc vào lựa chọn cá nhân, không ép buộc với bất kỳ ai, trong mọi hoàn cảnh.
* Hỏi: Đạo giáo là tôn giáo độc thần hay đa thần?
Đáp: Đạo Đức Kinh nói: “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh Vạn vật”. Huyết Hồ Kinh thuật lời Nguyên Thuỷ Thiên Tôn (ứng ngôi Đạo Bảo) rằng: Vạn vật do Ta sinh; Vạn linh do Ta hoá”. Đạo giáo tuy nhiều thần thánh, nhưng không phải là sự lựa chọn để chúng sinh quy hướng về một cá nhân nào. Tất cả Thánh chúng Tiên Chân chỉ hướng về Đấng Đạo và các Ngài cũng như một dấu chỉ thiêng liêng để quy hướng vạn vật về với Đại Đạo. Chỉ duy nhất một Đại Đạo vô hình vô tướng, vô biên vô tận. Đạo giáo là một tôn giáo độc thần, nhưng được thể hiện một cách ý nhị đặc biệt thông qua hệ thống thần thánh đồ sộ trong phả hệ của mình.
* Hỏi: Sống đời đạo sĩ là như thế nào?
Đáp: Đạo sĩ trong mắt nhiều người rất thần bí, chẳng hạn như trấn ma, vẽ bùa, chữa bệnh cứu mạng, bói toán chiêm tinh. Hầu hết mọi người vẫn nghĩ đạo sĩ như những truyện phim hoặc tiểu thuyết. Kì thực, đạo sĩ chỉ đơn thuần là lấy Đạo làm đầu, làm cùng đích tối thượng của mình hướng đến. Và để đạt được lý tưởng đó, đạo sĩ phải hành pháp, các pháp có thể như phù chú, triều khoa, lễ thánh, thí thực, độ vong,… nhưng pháp môn phương tiện là biểu tướng, không nên chấp tướng mà lầm vào mê tín. Đơn cử, tu vi mạnh vẽ phù linh nghiệm - mê tín dị đoan, phải biết rằng vẽ phù là nương vào Đạo lực - tha lực Thiên Tôn chứ không phải tự lực cá nhân, phù là biểu trưng cho Lời Đạo - Kinh Bảo, là vân triện biểu trưng Huyền lý, cho nên dùng phù là xin ân Đại Đạo đổ rót phàm thế cho khoa sự với mục đích chuyên biệt.
0 comments:
Post a Comment